KHI TRẺ LƯƠNG DÂN LÀM DẤU THÁNH GIÁ

Trong các thánh lễ ở nhà thờ Cao Bình vào trưa chúa nhật hàng tuần, thường có các em thiếu nhi và một số bạn trẻ không Công giáo tham dự. Các bạn nhỏ đó đến từ các gia đình xung quanh nhà thờ, cũng có khi đến từ Nà Rị cách nhà thờ gần hai chục cây số. Hình ảnh đó đã trở nên thật quen thuộc trong mỗi thánh lễ ở đây, dù vậy mỗi lần chứng kiến, lòng tôi không khỏi xúc động và suy tư.

Chiều nay, Chúa nhật IV mùa Phục Sinh, như thường lệ, tôi tập hát cộng đồng trước Thánh lễ. Các em lương dân ngồi chật mấy hàng ghế đầu làm nên một hình ảnh thật ấn tượng. Đó quả là một nét đẹp, một hứa hẹn cho tương lai của miền đất truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng này.

Hồi mới lên tới Cao Bình, tôi cảm thấy thật bất ngờ khi thấy các trẻ em lương dân tham dự Thánh lễ. Nếu không có ai giới thiệu chắc không thể phân biệt ai là người giáo dân chính hiệu. Các em lương dân rất thuộc các nghi lễ Phụng vụ, rất thuộc kinh và nhất là thuộc hầu hết các bài thánh ca thường sử dụng trong thánh lễ. Các em cũng có một giọng hát thật hay và tự nhiên. Tập hát cho trẻ em ở đây thật dễ dàng bởi chúng tiếp thu rất nhanh và hát khá chuẩn.

Những bản Thánh ca vào đời của Linh mục Thành Tâm thường được sử dụng trong thánh lễ ở Cao Bình vào các dịp lễ trọng. Khi đó ai mà đi qua nhà thờ Cao Bình lúc cử hành Thánh lễ, sẽ được nghe như một bản hợp xướng thật đều và khoẻ khoắn. Các ca viên là toàn thể cộng đoàn tham dự và đặc biệt nòng cốt là các em thiếu nhi, trong đó có phần lớn là các em lương dân.

Hình ảnh những em thiếu nhi và các bạn trẻ lương dân sốt sắng làm dấu Thánh giá để lại trong tôi nhiều suy tư. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ cao trọng của niềm tin Công giáo. Đó là lời tuyên xưng Đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi bởi đó diễn tả chính mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công giáo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.

Dấu Thánh Giá trở nên vô cùng quen thuộc trong đời sống thường nhật của người Công giáo. Ta làm Dấu khi khởi đầu một ngày mới, khởi đầu một công việc, khởi đầu giờ cầu nguyện hay phụng vụ… Ta cũng thường làm dấu khi kết thúc những công việc đó.

Trong các trận đấu bóng đá quốc tế, có những cầu thủ trước khi vào sân, họ làm dấu thánh giá và đó là dấu hiệu để nhận ra cầu thủ ấy là Kitô hữu. Khi ghi được bàn thắng, họ cũng trang trọng làm Dấu tạ ơn. Dĩ nhiên, có những khi người làm dấu thánh giá không luôn có cùng ý nghĩa như người đeo thánh giá. Người làm dấu thánh giá thường là người Kiô hữu nhưng người đeo thánh giá có thể không phải Kitô hữu. Đeo thánh giá có lúc đã trở thành mode thời trang chứ không phải việc tuyên xưng đức tin. Có người đeo thánh giá nhưng chẳng hề biết Chúa là ai, thánh giá là gì, nói chi đến việc tuyên xưng đức tin hay sống đức tin.

Nhiều khi, Dấu Thánh Giá trở nên một điều gì đó quá quen thuộc và bình thường khiến ta coi nhẹ giá trị. Nhiều khi ta làm Dấu chỉ chiếu lệ và vội vàng. Nhiều khi ta làm Dấu cách vụng về bất xứng. Và nhiều khi ta chẳng dám làm Dấu khi ở nơi mà có mình ta hoặc ít người Công giáo.

Có những điều khi chúng ta đã quá quen làm thì có một nguy cơ là chúng ta làm theo quán tính mà ít suy nghĩ và ý thức, chẳng hạn như việc hít thở khí trời, chúng ta rất ít khi chú ý đến không khí và việc hít thở vì điều ấy hiển nhiên và bình thường quá. Nhưng khi chúng ta bị sặc nước hay bị ngạt hoặc nhìn các người đau ốm phải thở oxy thì mới thấy không khí quan trọng biết là chừng nào.

Chúng ta cần vượt qua thói quen máy móc vô hồn để tiến tới ý thức tuyên xưng niềm tin sâu xa của những người con cái Chúa về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm ấy trong cuộc đời.

Hình ảnh các em thiếu nhi lương dân nơi Giáo xứ Cao Bình làm dấu Thánh Giá cách trang trọng và cung kính đã làm nên một nét thật đẹp và ý nghĩa, đem lại cho ta nhiều suy tư sâu lắng. Khi tham dự Thánh lễ, các cử hành phụng vụ hoặc kinh nguyện, khi tham dự các bữa cơm chung… các em đều làm Dấu. Điều đó dường như đã trở nên quen thuộc và bình thường với các em. Mặc dù có thể ý nghĩa về Dấu Thánh Giá đó các em chưa hiểu hết.

Trong bối cảnh của giáo phận miền truyền giáo, những hạt giống đức tin cứ âm thầm được gieo vãi vào những tâm hồn thành tâm thiện chí. Đó sẽ là những nắm men âm thầm ủ trong thúng bột. Qua tình liên đới, qua những liên hệ thường nhật, ta có thể làm cho ánh sáng Tin Mừng được lan toả, và tình yêu Chúa Kitô được quảng bá. Đó cũng là cách thức ta âm thầm trở nên chứng nhân của Thiên Chúa ngay trong những gì đơn sơ gần gũi nhất với mình./.

CB. 29-04-2012

Bình luận về bài viết này