Thánh lễ Tiệc Ly 2024

HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU

Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15

Thoạt đọc bài Tin mừng Thánh lễ Tiệc Ly ta có chút bỡ ngỡ. Tại sao trong ngày Chúa lập Bí tích Thánh Thể mà bài Tin mừng chỉ nói về việc rửa chân? Nhưng đọc kỹ cả ba bài Sách Thánh và bài Đáp ca, ta mới thấy tất cả làm thành một tổng thể rất cao sâu về Bí tích Thánh Thể. Bài sách Xuất hành tiên báo phép Thánh Thể. Bài thư Côrintô tường thuật việc lập phép Thánh Thể. Bài Đáp ca tán tụng phép Thánh Thể. Bài Tin mừng dạy thực hành Thánh Thể. Xuyên qua các bài đọc ta thấy:

Đây là việc hệ trọng cần chuẩn bị chu đáo.

Dân Israel chuẩn bị cuộc Xuất hành Vượt qua bằng thắt lưng, đi dép. Đó là thái độ sẵn sàng lên đường. Họ chuẩn bị để lên đường ngay tức khắc. Vì họ mong mỏi được thoát khỏi vùng đất nô lệ Ai cập. Vì họ khao khát đi về Đất Hứa. Vì họ muốn thoát khỏi nô lệ cho Pharao. Vì họ muốn được tự do sống trong tình yêu với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chuẩn bị lập phép Thánh Thể bằng việc cởi áo choàng và thắt lưng. Chúa khao khát đi vào diễn tả cuối cùng của tình yêu. Thánh Gioan diễn tả: Chúa Giêsu yêu những kẻ thuộc về mình thì Người yêu cho đến cùng. Cởi bỏ áo choàng là từ bỏ thân phận mình. Từ bỏ đến tận cùng là từ bỏ mạng sống. Thắt lưng là sẵn sàng phục vụ. Phục vụ cho đến tận cùng là hiến mạng sống. Yêu cho đến cùng chính là chết cho người mình yêu. Phép Thánh Thể chính là hiến mạng sống.

Chúa Giêsu chuẩn bị cho ta đón nhận Thánh Thể bằng rửa chân cho ta. Đó là bí tích Hoà giải, tẩy rửa linh hồn trong sạch để xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể. Khi chưa hiểu ra vấn đề thánh Phêrô từ chối. Nhưng khi hiểu rồi, thánh nhân xin Chúa rửa cả tay và đầu. Rửa chân vì ta đi vào đường lầm. Rửa tay vì ta làm điều ác. Rửa đầu vì ta phạm tội trong tư tưởng. Phải tẩy rửa toàn bộ con người cho xứng đáng đón nhận Thánh Thể.

Đây là việc hệ trọng vì liên quan đến sự sống

Dân Israel khi ăn tiệc Vượt Qua đã lấy máu chiên bôi lên cửa nhà, và nhờ dấu máu chiên mà họ được cứu thoát. Đó chính là dấu chỉ tiên báo phép Thánh Thể: Con chiên vượt qua bị sát tế để dân Israel được sống.

Bữa Tiệc Ly chính là bữa tiệc Vượt Qua. Trong đó Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua khi Chúa tự hiến mình. Cầm lấy chén rượu trong tay, Chúa nói: “Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy”. Đó là máu cứu nhân loại khỏi tội. Máu Chúa rửa ta sạch muôn vàn tội lỗi. Còn hơn thế nữa: Mình Chúa trở thành của ăn; Máu Chúa trở thành của uống. Khác với thịt chiên vượt qua của người Israel chỉ giúp họ ra khỏi Ai cập, Mình Máu Thánh Chúa đem chúng ta đến sự sống đời đời.

Vì thế khi rước lấy Mình Máu Thánh Chúa, ta được hiệp thông với Chúa, như bài Đáp ca diễn tả: “Khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào Máu Chúa Kitô”. Như máu chiên bôi lên cửa nhà giúp người Israel được cứu thoát, Máu Chúa bôi lên cửa miệng đem đến cho ta ơn cứu độ, cứu ta thoát khỏi tay tử thần.

Đây là việc hệ trọng vì biến đổi cuộc đời

Nhờ máu chiên dân Israel được cứu khỏi ách nô lệ Ai cập. Từ nay, họ không còn nô lệ cho Pharao và Ai cập. Vào Đất Hứa họ được tự do. Họ sống cho Thiên Chúa.

Chúa Giêsu, khi hiến mình chịu chết, đã từ bỏ tất cả, nên Chúa Cha đã đặt tất cả dưới chân Người. Khi trở nên Thánh Thể, Chúa Giêsu trở nên mọi sự cho mọi người, toàn thể vũ trụ trở nên nhiệm thể của Người.

Khi rước Mình Máu Thánh Chúa, ta được biến đổi, từ bỏ đời sống tội lỗi, ta được kết hợp nên một với Chúa, được nếm trước hạnh phúc thiên đàng.

Đây là việc hệ trọng cần ghi nhớ và thực hành

Sau khi ra khỏi Ai cập, Chúa truyền cho Israel: “Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này”.

Sau khi lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ: “Mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Sau khi rửa chân cho các tông đồ, Chúa truyền: Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Rửa chân cho nhau là phải chu toàn hai nhiệm vụ: rửa chân và được rửa chân. Ở vai trò của người rửa chân, ta phải làm như Chúa Giêsu: Phải cởi bỏ áo choàng; Phải từ bỏ mình; Phải hiến mình cho anh em. Hiến mình cao nhất là hiến mạng sống, như cha Trương bửu Diệp, như thánh Maximiliano Kolbe. Ở vai trò của người được rửa chân ta phải để anh em rửa sạch những lỗi lầm khuyết điểm. Có những lỗi lầm khuyết điểm ăn sâu vào người ta như khối u bướu ung thư. Phải để anh em kỳ cọ đến toé máu ra mới sạch. Phải dùng dao cắt bỏ mới hết. Như thế, để rửa sạch lỗi lầm cũng phải đau đớn, phải đổ máu. Nhưng khi ta chịu đổ máu ra, máu của ta mới hoà với máu Chúa Kitô trong Thánh Thể. Ta thực hành lời Thánh vịnh Đáp ca: “Khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào Máu Chúa Kitô”.

Giờ đây ta đã hiểu việc rửa chân là sống bí tích Thánh Thể. Người rửa cũng phải từ bỏ mình như Chúa Giêsu hiến mình. Người được rửa cũng phải từ bỏ tội lỗi xưa cũ để sống thành con người mới. Xứng đáng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó chính là thực hành bí tích Thánh Thể trong đời sống.  

Bình luận về bài viết này