Diễn Giải nghi thức khai mạc Năm Thánh

(DIỄN GIẢI NGHI THỨC KHAI MẠC NĂM THÁNH)

  1. 1.      THẮP ĐUỐC VÀ RƯỚC ĐUỐC

Ngay từ thuở ban sơ, Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng, phản ảnh của Ngôi Lời Thiên Chúa là Nguồn Sáng,  không những để làm dấu chỉ của sự hiện hữu và văn minh, mà còn là biểu tượng của thánh thiện và trường cửu. Rồi khi thời gian chín muồi, Ngôi Lời-Ánh Sáng ấy đã đi vào và ở lại trong trần gian, để xóa tan những dấu vết của hư vô và vô thường, của tội lỗi và bất toàn, đồng thời đưa toàn thể thụ tạo lên hàng con cái Thiên Chúa trường cửu, con cái của Thiên Chúa thánh thiện.

Từ giữa thế kỷ 16 (khoảng năm 1533), ánh sáng của Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô ấy đã chính thức chiếu tới mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Ánh sáng ấy đã đến và ở lại đây, để giúp nhìn ra và loại bỏ những bóng tối còn vướng vất đâu đó, đồng thời để làm sáng lên hơn nữa những vùng đã sáng trong con người và trong đời sống con người tại mảnh đất linh thiêng này. Hành trình ấy thật dài và cam go, đến nỗi đã có nhiều lần tưởng chừng như ánh sáng này đã bị dập tắt, nhưng cuối cùng lại được thắp sáng và vươn cao.

Hành trình ấy đang được tái hiện tối hôm nay một cách tượng trưng qua đường đi của ngọn đuốc, được thắp lên tại nơi đã một thời vang bóng trong lịch sử giáo phận Đàng Ngoài và giáo phận Hà Nội, nay mang tên Trung Tâm Hành Hương Sở Kiện, để đến lễ đài khai mạc Năm Thánh của GH Việt Nam – kỷ niệm 350 thành lập hai giáo phận đầu tiên của GH Việt Nam và 50 thiết lập hàng giáo phẩm của GH Việt Nam, và sẽ tiếp tục cháy mãi sau những ngày này.

(Kính mời Đức Cha….., đại diện HĐGM Việt Nam, lên thắp  đuốc).

  1. 2.      KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

Kể ra những mốc lịch sử : 1533 – Ánh Sáng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô đến Việt Nam lần đầu tiên,1659 – hai giáo phận đầu tiên của GH Việt Nam được thành lập, và 1960 – hàng giáo phẩm của GH Việt Nam được chính thức thiết lập, không phải là nêu ra những thời điểm đánh dấu các chặng đường lịch sử của ánh sáng Tin Mừng tại Việt Nam một cách hờ hững và khô khan. Nhưng là để qua đó nhìn nhận, cảm phục và tri ân các bậc tiền bối – từ các vị thừa sai can đảm và sáng kiến mang ánh sáng Tin Mừng đến Việt Nam, cho đến các bậc cha ông chúng ta kiên tâm và linh hoạt đón nhận, gìn giữ và lưu truyền ánh sáng ấy. Quả thật, sau hơn 400 năm ánh sáng Tin Mừng  được mang đến và tiếp nhận tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo đã có 26 giáo phận với gần 6.200.000 tín hữu,  15.000 tu sĩ, 1.500 chủng sinh, 4.000 linh mục, 34 giám mục và hồng y hiện đang sống. Con số này được đánh đổi bằng 117 thánh tử đạo, trong số 130.000 chứng nhân đức tin đã chết vì đạo, và  còn nhiều hơn nữa, các ki-tô hữu đã sống đạo tốt đẹp, tuy âm thầm nhưng không kém phần anh dũng.

Con số các ki-tô hữu và con số các thành quả, mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp cho dân tộc và đất nước này, không thể đạt được, nếu không nhờ ơn Chúa và nhờ phúc ấm của các bậc tổ tiên ấy. Vì thế, trong lúc tưởng niệm các sự kiện trong lịch sử GH Việt Nam, chúng ta không thể không lắng lòng xuống để kính nhớ các bậc tổ tiên – những vị đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng vô giá cho hậu sinh, bằng chính những gian lao vất vả, những sáng kiến bất ngờ và những hy sinh tận cùng của mình.

  1. 3.      SÁM HỐI

Trong lúc quay lại quá khứ để nhìn nhận, cảm phục và tạ ơn các bậc tiền bối đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng một cách xuất sắc, chúng ta không thể không thú nhận, hối tiếc và xin lỗi về những yếu đuối, sai sót và cả những tội lỗi của nhiều ki-tô hữu – trong đó có cả chúng ta – đã vô tình hay hữu ý làm cho ngọn lửa Tin Mừng chẳng những không sáng hơn lên, mà nhiều khi trở nên yếu ớt và lụi tàn ở đây đó, qua cách sống hay qua lời giảng của mình. Hành vi này đã tạo ra những ngộ nhận đáng tiếc của nhiều đồng bào về ánh sáng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, đã sinh ra những thành kiến không dễ gì phai nhạt giữa các tổ chức và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đã làm nên những vết thương khó lành do một số thành phần trong Giáo Hội chúng ta gây ra cho những người khác, đã khiến cho những cơ hội quý báu để phát huy tình huynh đệ của dân tộc và sự thịnh vượng của đất nước bị uổng phí…

Trước khi bước vào một kỷ nguyên mới, bắt đầu với Năm Thánh này, chúng ta cùng nhau chân thành tạ lỗi trước mặt Thiên Chúa và mọi người, đồng thời cùng nhau khiêm tốn xin Thiên Chúa và mọi người thứ tha.

Bình luận về bài viết này